Mô hình ADDIE: 5 bước thiết kế bài giảng E-Learning hiệu quả
Mô hình ADDIE được nhiều nhà thiết kế bài giảng E-Learning chuyên nghiệp sử dụng, nhằm tối ưu trải nghiệm học tập số trong bất kỳ quy mô giảng dạy nào. Đặc biệt với những dự án số hóa quy mô lớn và phức tạp, ADDIE đã chứng minh được hiệu quả cao với cách tiếp cận hệ thống và linh hoạt gắn liền với công nghệ.
Nội dung chính của bài viết
Mô hình ADDIE là gì?
Tại sao lựa chọn mô hình ADDIE
5 bước thiết kế bài giảng E-Learning theo mô hình ADDIE
Một số công cụ hỗ trợ thiết kế bài giảng E-Learning theo mô hình ADDIE
Mô hình ADDIE là gì?
Mô hình ADDIE xuất hiện vào những năm 1970 ở Đại học Bang Florida để huấn luyện quân đội Hoa Kỳ thực hiện các nhiệm vụ từng bước.
ADDIE là viết tắt của năm bước hướng dẫn, đó là: Analysis (Phân tích), Design (Thiết kế), Development (Phát triển), Implementation (Thực hiện), Evaluation (Đánh giá).
Mô hình ADDIE đóng vai trò khuôn mẫu trong việc thiết kế và phát triển các khóa học. Bằng việc hướng dẫn một cách hệ thống, ADDIE cho phép người thiết kế bài giảng E-Learning thường xuyên lặp lại các bước để ngày càng tối ưu hóa trải nghiệm học tập.
Tại sao lại lựa chọn mô hình ADDIE?
Nghiên cứu cho thấy rằng phương pháp ADDIE đưa ra được chiến lược phát triển và học tập lặp đi lặp lại dựa trên hệ thống đồng thời kết hợp với việc phản hồi và đánh giá để cải thiện.
Khi thiết kế một chương trình đào tạo mới, bạn rất dễ đi sâu vào các chi tiết. Vì vậy sử dụng mô hình ADDIE sẽ cung cấp các danh sách tuần tự các yêu cầu và xác định trước thông tin về đầu vào, đầu ra giúp cho bộ phận LnD có cái nhìn tổng quan nhất về mục tiêu mà họ đang cố gắng đạt được.
Nhiều tổ chức đã triển khai các khía cạnh của mô hình ADDIE mà không cần nó phải trở thành một cấu trúc thiết kế chính thức. Tuy nhiên, do tính chất nhanh chóng của môi trường kinh doanh nên bộ phận LnD thường sẽ tập trung vào giai đoạn thiết kế, phát triển và triển khai.
Thật đáng tiếc, dự án sẽ không thành công nếu chỉ tập trung vào 3 giai đoạn trên mà bỏ qua giai đoạn đầu tiên - giai đoạn phân tích. Như vậy bạn sẽ không hiểu rõ được nhu cầu ban đầu của chương trình và tác động mà nó đem lại. Trong khi đó, mô hình ADDIE hoàn chỉnh sẽ cung cấp cho bạn phương pháp tiếp cận toàn diện hơn là tập trung vào việc hiểu rõ mục tiêu.
Mặc dù mô hình ADDIE cần thêm thời gian để nghiên cứu nhưng về cơ bản, nó vẫn đảm bảo được quy trình được diễn ra theo đúng kế hoạch và mục tiêu ban đầu.
Thiết kế khóa học E-Learning tích hợp công nghệ theo mô hình ADDIE
5 bước thiết kế bài giảng E-Learning theo mô hình ADDIE
Bước 1: Phân tích
Trước khi bắt tay thiết kế bất kỳ nội dung hay chiến lược đào tạo nào, bước đầu tiên là thu thập và phân tích tất cả các yếu tố ảnh hưởng chất lượng bài giảng và mục tiêu đào tạo. Dưới đây là một số câu hỏi gợi ý:
- Đối tượng mục tiêu của bài giảng là ai?
- Bạn đã có sẵn bao nhiêu thông tin về đối tượng mục tiêu? Họ đang gặp phải vấn đề gì? Họ hiểu biết bao nhiêu về chủ đề này?
- Tại sao bạn muốn thiết kế khóa học này?
- Bạn muốn người học đạt được những gì sau khi hoàn thành khóa học của bạn?
- Những kiến thức, kỹ năng, hành vi tổng thể gì cần đưa vào bài giảng này?
Bước 2: Thiết kế
Sau khi hoàn thành bước phân tích, bạn bước vào giai đoạn “soạn giáo án” theo các tiêu chuẩn E-Learning. Đây là lúc bạn vận dụng tất cả những hiểu biết ở bước 1 để “phác thảo” khóa đào tạo. Bạn có thể chọn thiết kế bài giảng E-Learning bằng cách gạch ý đầu dòng, bằng sơ đồ tư duy hoặc bằng bảng phân cảnh. Một số câu hỏi gợi ý ở bước 2 như sau:
- Các nội dung kiến thức và thực hành thể hiện bằng văn bản, âm thanh hay video? Chúng sẽ được sắp xếp như thế nào và với thời lượng bao nhiêu?
- Mục tiêu đạt được sau mỗi đơn vị bài học là gì?
- Sử dụng công nghệ nào (LMS, video hay các phương tiện truyền thông xã hội) và chọn tiêu chuẩn E-Learning nào thì phù hợp với mục tiêu đào tạo?
- Dùng phương pháp nào để kiểm tra đánh giá kết quả học tập và nhận phản hồi?
Bước 3: Phát triển
Đây là giai đoạn lắp ráp và xây dựng khóa học, đưa các thiết kế chi tiết ở bước 2 (ví dụ: tạo các bảng phân cảnh, viết nội dung, thiết kế đồ họa) đi vào hoạt động. Các lập trình viên sẽ lựa chọn và tích hợp công nghệ phù hợp với khóa học E-Learning. Một số câu hỏi gợi ý cần giải quyết trong giai đoạn này là:
- Nội dung khóa học nên được tổ chức, bảo vệ bản quyền như thế nào?
- Nên tải nội dung lên LMS hay chọn website nào?
- Làm thế nào để tạo trải nghiệm học tập tương tác hấp dẫn cho người dùng?
- Tạo phản hồi học tập và cách điều chỉnh nội dung như thế nào?
Đây là cũng là giai đoạn thực hiện thử nghiệm người dùng để tinh chỉnh nội dung. Kiểm tra tính chính xác và đầy đủ của khóa học E-Learning được coi là phần quan trọng nhất ở bước “phát triển”.
Trải nghiệm người dùng quan trọng cho việc cải tiến thiết kế khóa học E-Learning.
Bước 4: Thực hiện
Sau khi khóa học đã hoàn thành và được kiểm tra đầy đủ thì đây là lúc bạn có thể chia sẻ nội dung đến với người học và xây dựng quy trình giảng dạy. Một số câu hỏi gợi ý cho giai đoạn này là:
- Giới thiệu khóa học này như thế nào?
- Làm cách nào để tóm tắt nội dung và xem lại từng bài học?
- Làm cách nào để người học tập trung hơn, tăng động lực học tập hơn?
Đây là giai đoạn cung cấp khóa học thực tế nên cần thông báo trước cho nhân viên hỗ trợ người học. Nếu các khóa học được tải lên hệ thống quản lý học tập (LMS) thì LMS sẽ tự động xử lý các phần việc như phân phối, theo dõi, báo cáo (về ai đăng ký, thành tích, thời gian tham dự, phản hồi học tập,...).
Bước 5: Đánh giá
Sau bao nhiêu công sức, chắc hẳn bạn rất muốn biết khóa học E-Learning của mình trông như thế nào trong mắt người dùng. Đây là giai đoạn thu thập phản hồi về mọi khía cạnh của khóa học. Một số gợi ý đánh giá như sau:
- Khóa học có đạt được các mục tiêu đặt ra ở bước 1 (phân tích) không?
- Những yếu tố nào cần thay đổi để cải thiện khóa học?
- Có nên thay đổi phương tiện truyền thông hoặc cách tiếp cận không?
Sau giai đoạn đánh giá sẽ đưa trở lại giai đoạn phân tích. Mặt khác, giai đoạn đánh giá cũng xem xét lại các yếu tố mong muốn đạt được ở giai đoạn phân tích.
Mô hình ADDIE là một vòng tròn các bước liên tục và đan xen nhau. Sau khi khóa học E-Learning được công bố, ADDIE khuyến khích bạn bạn liên tục lặp lại các bước “Phân tích”, “Thiết kế”, “Phát triển”, “Triển khai” và “Đánh giá” nó để khóa học ngày một hoàn thiện hơn.
Một số công cụ hỗ trợ thiết kế bài giảng E-Learning theo mô hình ADDIE
- Công cụ phân tích SWOT: Giúp xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của môi trường giáo dục đào tạo.
- Phần Mềm Storyboard: Giúp tạo bảng phân cảnh trực quan về nội dung giảng dạy.
- Phần mềm vẽ sơ đồ tư duy (Mindmap): Hỗ trợ hệ thống kiến thức phức tạp, sắp xếp ý tưởng, làm sáng tỏ tư duy khi thiết kế bài giảng E-Learning.
- Phần mềm soạn thảo E-Learning: Cung cấp chế độ xem mã khi soạn thảo nội dung bài giảng số và cho phép tùy chọn định dạng khi xuất bản.
- Hệ thống quản trị nội dung (CMS): Giúp nội dung ngăn nắp, dễ truy cập và có thể tái sử dụng một cách hiệu quả.
- Hệ thống quản lý học tập (LMS): Hỗ trợ lập kế hoạch, thực hiện, phân phối, theo dõi và đánh giá quá trình học tập cụ thể của một tổ chức.
- Các ứng dụng Chat: Hỗ trợ tương tác trực tuyến với người học 24/7.
- Phần mềm phân tích học tập (LAS): Giúp tổ chức đo lường, thu thập, phân tích và báo cáo dữ liệu về người học để cải thiện chương trình đào tạo.
Mô hình ADDIE là cách tiếp cận cực kỳ phổ biến để thiết kế các bài giảng E-Learning với quy mô phức tạp. Hãy đơn giản hóa việc triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của eUp Solution ngay hôm nay!